VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ VĂN HOÁ HÀN QUỐC

 
         Nếu bạn đã từng một lần đặt chân đến với Hàn Quốc bạn sẽ cảm nhận được nơi đây là một đất nước của những con người thân thiện. Họ luôn chào mừng bạn bằng những nụ cười hiền hoà và bình dị nhất. Đi thăm thú đây đó, bạn lại càng hiểu sâu hơn về những giá trị văn hoá phi vật thể luôn tiềm ẩn nơi đây.
Văn hoá của người Hàn Quốc rất đa dạng được thể hiện qua trang phục, ẩm thực hay cả tín ngưỡng tôn giáo. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về nền văn hoá đa dạng của Hàn Quốc.

TRANG PHỤC
                              

        Mỗi một đất nước trên thế giới đều có trang phục truyền thống đặc trưng mang một nét đẹp rất riêng được gọi là “Quốc phục”. Nó không chỉ tôn lên vẻ đẹp văn hoá đặc sắc mà còn mang ý niệm tự hào dân tộc, thể hiện nguồn gốc văn hoá, củng cố tinh thần đoàn kết của một cộng đồng hay một đoàn thể. Và đối với người Hàn Quốc nhắc đến Quốc phục là nhắc đến Hanbok. Hanbok là trang phục truyền thống được ra đời trong thời đại Joseon. Người dân chủ yếu sử dụng trang phục này vào các dịp lễ tế hoặc các lễ kỷ niệm, ngày cưới hoặc tang lễ.
Hanbok dành cho phụ nữ gồm một váy dài kiểu Trung Quốc và một áo vest kiểu Bolero. Hanbok dành cho nam giới gồm có một áo khoác ngắn jeogori và quần baji. Đi cùng với Hanbok ngoài các kiểu mũ đội đầu của nam ra còn có rất nhiều phụ kiện của nữ như trâm, hoa cài, mũ, dây buộc tóc… đặc biệt rất nhiều màu sắc và đa dạng. Cả hai bộ hanbok này đều có thể mặc với một áo choàng dài theo kiểu tương tự gọi là durumagi.
Theo giai thoại, phần tay rộng của jeogori là hiện thân của sự ấm no và bao hàm toàn bộ những tính cách của con người Hàn Quốc. Trong khi đó, chiếc váy rộng lại thể hiện cho không gian thoãng đãng và sự tự do. Họ quan niệm rằng, con người cấu thành bởi sự bởi sự hoà hợp giữa trời - đất, nước- lửa, cây - gió. Từ đó những yếu tố đó đã hình thành lên trong phục Hanbok trong sự kết hợp giữa đường nét đến sự phong phú, của màu sắc tự nhiên.

ẨM THỰC

           Ẩm thực của Hàn Quốc khá cầu kỳ và họ luôn có câu “Thực vị ngũ phúc chi nhất” có nghĩa là ăn uống là điều phúc lớn nhất trong năm điều phúc. Mỗi bữa ăn của họ rất phong phú, bữa ăn hàng ngày thường có cơm, kim chi, tương đen, tương ớt, rau cải muối, rau bát trân và canh tương đen. Thịt cũng là nguyên liệu chính trong chế biến các món ăn như thịt bò, thịt gà và thịt lợn.
Người Hàn Quốc đặt biệt thích ăn ớt, mỳ trộn ớt, tương ớt là món gia vị chính trong bữa ăn. Và không thể không nhắc đến món Kim Chi, một món ăn đặc sắc không thể thiếu nhất là vào mùa đông của người Hàn Quốc. Kim chi là một món rau được muối chua, người Hàn Quốc thường sử dụng là bắp cải, củ cải hoặc dưa chuột được ăn kèm trong hầu hết các bữa ăn. Có khoảng hơn 200 loại kim chi được sử dụng các nguyên liệu khác nhau trong quá trình muối như tỏi, ớt, muối sò và cá trổng. Kim chi vào mùa đông theo truyền thống được muối trong các vại làm bằng đất sét và được chôn một phần dưới đất để giữ cho các nguyên liệu được muối dưa lên men ở nhiệt độ thích hợp. Thế nên đối với người dân Hàn Quốc kim chi trở thành món ăn quốc hồn – quốc tuý của dân tộc.

NHÂN SÂM

Nhân sâm được coi như là sản vật vô cùng bổ dưỡng và quý giá không chỉ đối với người dân Hàn Quốc mà nó còn được các nước trên thế giới ưa chuộng sử dụng. Nhân sâm được trồng rộng rãi ở Hàn Quốc do khí hậu và đất đai ở đây rất thích hợp.
Nhâm sâm được sử dụng như là liều thuốc tăng cường sinh lực và phục hồi sức khoẻ.  Đối với người Hàn Quốc công dụng của nó còn giúp tăng cường chức năng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể, ổn định tim, bảo vệ dạ dầy, tăng cường chịu đựng và sự ổn định của hệ thần kinh. Nhân sâm cũng được coi là yếu tố cốt lõi trong Đông y. Nhưng sử dụng thông dụng nhất, đơn giản nhất là uống trà, rượu hoặc chế biến món ăn.

TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO

Tín ngưỡng tôn giáo của người Hàn Quốc cũng khá giống với Việt Nam (Đức tin của người Hàn Quốc đối với các vị thần thánh và tổ tiên).
Hàn Quốc là quốc gia tự do về tôn giáo, do đó hầu hết các tôn giáo chính trên thế giới đều có mặt ở đây như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Nho Giáo và Hồi Giáo. Các nhóm tôn giáo hiện vẫn đang tồn tại song song và hài hoà cùng với những tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

VĂN HOÁ GIA ĐÌNH CỦA HÀN QUỐC

Hàn Quốc duy trì chế độ đại gia đình cùng sinh sống một nhà trong đó có ông bà, gia đình của các con trai với vợ và các con. Để giữ gìn trật tự gia đình, người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình đóng vai trò quan trọng nhất và cả gia đình phải theo ý của người lớn tuổi nhất. Với quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp, dần chế độ gia đình dần biến mất, hiện nay chỉ con mô hình gia đình hạt nhân có vợ chồng, con trai, gái chưa kết hôn. Tuy nhiên, hình thái văn hoá gia đình vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của chế độ đại gia đình nên vẫn nhấn mạnh vai trò của người đàn ông. Trong gia đình phải kính trọng ông bà, bố mẹ, họ hàng và những người lớn tuổi; hành động và lời nói cũng phải thể hiện sự tôn trọng.
Hàn Quốc là một quốc gia có nền văn hóa rất lâu đời. Điều đặc biệt là cả Hàn Quốc và Việt Nam đều bị ảnh hưởng nhiều bởi nền văn hóa Trung Hoa, vì thế mà nền văn hóa của hai nước có rất nhiều nét tương đồng. Cũng chính vì vậy mà người Hàn Quốc và người Việt Nam dễ thấu hiểu, có cảm tình và quý mến nhau hơn.